BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 - BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN (CHỦ ĐỀ, NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC VỀ HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT)

Ngày 08/10/2024 17:44:26, lượt xem: 183

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật) là dạng bài viết đầu tiên mà các bạn lớp 10 (bộ sách Chân trời sánh tạo) sẽ được làm quen. Dưới đây là bài viết mẫu  nghị luận, phân tích, đánh giá truyện "Chiếc lá cuối cùng" O.Hen-ri do Học Văn Chị Hiên biên soạn. Các bạn có thể tham khảo và linh hoạt đưa vào bài viết của mình.

 

Đề bài: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện (chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật).

Bài làm
Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng khẳng định: “Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào bên trong chúng ta một thứ ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bây giờ biến thành của ta và chiếu tỏa lên mọi việc chúng ta sống, mọi con người ta gặp làm thay đổi hẳn mắt ta nhìn, óc ta nghĩ”. Bởi trong hiện thực cuộc sống, đâu đó vẫn còn rất những mảnh đời bất hạnh nhuốm màu u sầu được các nhà văn soi rọi vào đó những tia sáng khơi gợi niềm tin vào sự sống cho những con người ấy. O.Hen-ri - nhà văn nổi tiếng người Mỹ cũng như thế, với tấm lòng nhân đạo của mình trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” ông đã thể hiện sâu sắc tình đời, tình người của con người qua hình ảnh “chiếc lá”.
Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O.Hen-ri được sáng tác năm 1907 là câu chuyện xoay quanh ba nhân vật Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men là những người họa sĩ nghèo cùng chung sống trong một khu nhà trọ tồi tài dành cho người nghèo. Giôn-xi không may mắc phải căn bệnh sưng phổi quái ác. Vì chán nản và tuyệt vọng, Giôn-xi đếm từng chiếc lá thường xuân ngoài cửa sổ và nghĩ rằng khi nào chiếc lá cuối cùng rụng xuống thì mình cũng sẽ rời xa cuộc đời. Xiu và cụ Bơ-men đều rất lo lắng cho Giôn-xi và vì thế vào một đêm mưa tuyết dữ dội, cụ Bơ-men đã lặng lẽ tạo nên một kiệt tác: chiếc lá cuối cùng. Chính chiếc lá thường xuân cuối cùng trên bức tường trơ trọi ấy đã tìm lại động lực sống cho Giôn-xi. Sau khi hoàn thành tác phẩm ý nghĩa nhất của cuộc đời mình, cụ Bơ-men đã lâm bệnh nặng và rời xa cuộc đời. Điều đó đã giúp Giôn-xi có thêm niềm tin vào cuộc sống, trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn khi chiến đấu với bệnh tật, thế nhưng cô lại không biết được câu chuyện về cụ Bơ-men và chiếc lá thường xuân cuối cùng ấy.
Có thể nói, cốt truyện hay không đủ làm nên giá trị tư tưởng - nghệ thuật của một truyện ngắn nhưng một truyện ngắn có được một cốt truyện hấp dẫn thì giá trị tác phẩm càng được nâng cao. O.Hen-ri đã thành công khi xây dựng cốt truyện đơn giản nhưng vô cùng phần hấp dẫn với ý nghĩa sâu sắc, tình tiết được sắp xếp khéo léo, thú vị. Bên cạnh đó, nhan đề của tác phẩm cũng là một điều làm thu hút người đọc, hình ảnh chiếc cuối cùng chính là hình tượng nghệ thuật trung tâm xuyên suốt dòng chảy của tác phẩm. Chiếc lá ấy là biểu tượng của nghệ thuật chân chính - nghệ thuật vì con người. Bởi vốn dĩ, lá trên cây thường xuân cứ thay phiên nhau lìa cành như quy luật tạo hóa, riêng chỉ có chiếc lá cuối cùng do cụ Bơ-men vẽ khi trải qua cơn gió mạnh vẫn không buông xuôi.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT SỐ 1 LỚP 10 - BỘ CHÂN TRỜI SÁNG TẠO: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN, PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ MỘT TRUYỆN KỂ (TRUYỆN "THẦN TRỤ TRỜI")


“Chiếc lá” là một chi tiết đắt giá chứa đựng những cảm xúc, tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm và Pauxtopxki từng nói: “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”. Khi người đọc tưởng rằng chiếc lá cuối cùng sẽ rơi xuống với sự ra đi của Giôn-xi, sự đau khổ của Xiu và tác phẩm của cụ Bơ-men sẽ mãi dang dở thì phép màu kì diệu bằng một cách nào đó đã xảy ra và xoay chuyển mọi thứ. Khi chiếc lá thật đã lìa cành, còn lại mãi mãi trên tường là chiếc lá của tình thương yêu, lòng yêu mến cuộc sống cháy bỏng của người họa sĩ già. Sự bất ngờ này đã đưa Bơ-men thành nhân vật quan trọng nhất thể hiện sâu đậm chủ đề của câu chuyện. Và sau khi tỉnh dậy Giôn-xi một lần nữa nhìn thấy nó, cô như đã tìm được chân lý của cuộc đời “Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội.” Sự mạnh mẽ của “chiếc lá” đã khiến Giôn-xi nhận ra cuộc sống này quý giá đến nhường nào và thể hiện được sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men.
Nhà văn người Mỹ - O.Hen-ri đã rất khéo léo khi xây dựng nghệ thuật đảo ngược tình huống đến hai lần. Tình huống đảo ngược đầu tiên, Giôn-xi từ một người bệnh mất hết niềm tin vào cuộc sống, sự luân chuyển của thời gian là một nỗi ám ảnh. Thế nhưng khi cánh cửa mở ra: chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó, hy vọng trở lại. Phép màu kì diệu ấy đã thức tỉnh ý chí sống của Giôn-xi, giúp cô hiểu ra được sống và hiện diện trên cõi đời này quan trọng đến nhường nào. Đến một chiếc lá còn cố gắng bám trụ trên cành cây trong cơn mưa bão thì cô cũng phải cố gắng đến cuối cùng để được bên cạnh những người thân yêu. Đến với lần đảo ngược thứ hai, người đọc không khỏi bất ngờ khi chứng kiến hành động hy sinh cao cả của cụ Bơ-men. Tâm trạng Xiu đi từ hồi hộp, lo lắng đến khi hiểu rõ sự thật chiếc lá chính là sự hòa trộn tình yêu thương và cảm phục trước tấm lòng cao cả của cụ họa sĩ già. Sự hy sinh từ một hành động lừa dối cao cả của cụ Bơ-men đã lay động, thức tỉnh và khơi dậy được niềm tin của Giôn-xi đối với cuộc sống. Có thể nói, tài năng nghệ thuật của O.Hen-ri được bộc lộ rất rõ khi ông sử dụng kết cấu đảo ngược tình huống. Nghệ thuật đảo ngược tình huống truyện không chỉ tăng tính hấp dẫn mà còn làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.
“Chiếc lá cuối cùng” hấp dẫn người đọc không chỉ ở những giá trị nhân văn sâu sắc mà còn bởi sự vận dụng, kết hợp một cách khéo léo, điêu luyện các thủ pháp nghệ thuật. Khi xây dựng nhân vật, dù kết thúc câu chuyện hai tuyến nhân vật đều có hai kết cục khác nhau nhưng vận mệnh của họ lại được gắn chặt với nhau bằng hình ảnh chiếc lá thường xuân - chi tiết vừa thắt nút và mở nút của tác phẩm. Bên cạnh đó, nhà văn còn đặt mình vào hoàn cảnh, số phận của từng nhân vật, đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm trạng bên trong nội tâm để hiểu thấu nỗi lòng của họ.
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt qua lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ,vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.”(Nam Cao). Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” không chỉ thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm giữa người với người, giữa những cuộc đời bất hạnh mà hơn hết nó còn gửi gắm bức thông điệp đến những người nghệ sĩ trong mặt trận văn học. Nhưng với O.Hen-ri, nghệ thuật phải là một thứ cao cả, giàu ý nghĩa sâu sắc và trong tác phẩm Cụ Bơ-men cuối cùng cũng đã hoàn thành tâm nguyện tạo ra được một kiệt tác. Tác phẩm để đời ấy của cụ không phải vẽ về những thứ hào nhoáng, bóng bẩy mà chỉ là chiếc lá thường xuân bình thường. Thế nhưng, sự bình thường đó lại chứa đựng một sức mạnh cứu rỗi lớn lao. Điều đó đã cho thấy, nghệ thuật phải bắt nguồn từ đời sống mà đâm chồi nảy nở. Nếu như người nghệ sĩ thoát ly khỏi thực tại, dửng dưng trước nỗi khổ của con người trong thời đại thì tác phẩm khi thai nghén ra sẽ chỉ là thứ nghệ thuật giải trí đơn thuần.
“Văn học là cuộc đời. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Mỗi người nghệ sĩ đều ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa hiện thực và cuộc sống và hiện thực bao giờ cũng là nguồn cảm hứng bất tận của tâm hồn nhà văn, nhà thơ. Với sự đồng cảm, thấu hiểu và tình yêu thương, nhà văn O.Hen-ri đã thành công mang đến cho tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” một luồng sáng mới, xua tan đi bóng đêm phủ kín từng nhân vật. Luồng sáng ấy không chỉ là bước ngoặt trong câu chuyện, nó còn là hiện thân của tình yêu thương con người. Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” vẫn in dấu trong trái tim bạn đọc bởi giá trị nhân đạo sâu sắc mà nó chứa đựng.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 10 - 2K9

Tin liên quan